- Bài viết
- Phát triển doanh nghiệp của tôi
- Tìm kiếm cơ hội mới
- Mở rộng ra nước ngoài
Phục hồi kinh tế: Bình minh của kỷ nguyên đầu tư bền vững mới ở ASEAN
Từ nhận thức đến hành động, phát triển bền vững đang được đẩy mạnh trên toàn ASEAN khi cả chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực đang nắm bắt cơ hội.
Kỷ nguyên của năng lượng tái tạo và tài chính bền vững sắp đến với chúng ta. Trên toàn cầu, đầu tư vào chuyển đổi năng lượng các-bon thấp đạt khoảng 500 tỷ USD vào năm 2020, phần lớn là đầu tư vào năng lượng tái tạo và di chuyển bằng điện1. Con số này thể hiện mức tăng 40 tỷ USD so với năm trước, bất chấp sự gián đoạn do Covid-19.
Trong khi đó, tài chính bền vững tăng mạnh trên toàn thế giới với việc phát hành trái phiếu bền vững dự kiến vượt mốc 1 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2021.2
Khu vực Đông Nam Á cũng đang gia tăng nhận thức và đẩy mạnh hành động. Theo một cuộc khảo sát của HSBC về Đầu tư & Tài chính Bền vững trong ASEAN, hơn một nửa số tổ chức phát hành trong khu vực cho biết biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hoạt động của họ.3 Tương tự, trên 50% tổ chức phát hành ở ASEAN đang dự kiến sẽ thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh và phân bổ vốn của mình trong những năm tới, tránh xa các hoạt động gây hại cho môi trường xã hội và hướng tới những hoạt động thúc đẩy các mục tiêu Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Ví dụ, tại Malaysia, gần một nửa số công ty được HSBC khảo sát đang đầu tư vào công nghệ mới và kỹ năng kỹ thuật số để bảo vệ hoạt động kinh doanh trong tương lai của họ – cao hơn 10% so với mức trung bình toàn cầu.4
Trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đã phát triển nhanh chóng trong khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2017, khi Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN đưa ra các tiêu chuẩn cho loại trái phiếu này. Sau đó, vào tháng 11 năm 2021, hiệp hội đã giới thiệu phân loại cho tài chính bền vững, lần đầu tiên tạo ra một điểm tham chiếu chung “để hướng dẫn về vốn và tài trợ”.
Mặc dù đại dịch đã làm giảm tốc độ tăng trưởng bền vững trong ngắn hạn ở khu vực ASEAN, chúng ta có thể nhìn lại giai đoạn này như một bàn đạp để đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông điện và các dự án ESG khác
|
Đến tháng 9 năm 2021, tổng giá trị dồn tích của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững ASEAN được phát hành ở Đông Nam Á đã đạt 16,4 tỷ USD.5
“Mặc dù đại dịch đã làm giảm tốc độ tăng trưởng bền vững trong ngắn hạn ở khu vực ASEAN, chúng ta có thể nhìn lại giai đoạn này như một bàn đạp để đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông điện và các dự án ESG khác,” Ông Jonathan Drew, Giám đốc Điều hành, Giải pháp ESG, Ngân hàng Toàn cầu, HSBC cho biết.
Cơ sở để lạc quan
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức to lớn. Trên toàn cầu, ảnh hưởng của đại dịch có thể làm tăng mức thiếu hụt tài chính để đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc thêm 70% lên 4,2 nghìn tỷ USD.6 Mặc dù có sự tăng vọt trong thời gian gần đây, thị trường tài chính của Đông Nam Á vẫn còn nhỏ so với phần còn lại của thế giới và nguồn vốn sẵn có cho đầu tư công vào cơ sở hạ tầng bền vững đã giảm do thâm hụt ngân sách chính phủ nới rộng để cứu trợ đại dịch.
ASEAN cũng là một trong những khu vực trên thế giới dễ bị tác động nhất bởi các rủi ro khí hậu và phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại 11% GDP vào năm 2100 nếu không giải quyết được những rủi ro đó.7
Khảo sát của HSBC cho thấy, mặc dù nhận thức và cam kết đối với các mục tiêu ESG đang tăng lên, nhưng một nửa số nhà đầu tư trong khu vực (tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu) cho biết thông tin môi trường do doanh nghiệp công bố thường không đầy đủ, trong khi khoảng 40% nói rằng họ đang bị cản trở việc đầu tư vào ESG do thiếu chuyên môn hoặc thiếu nhân viên đủ trình độ.
Dù vậy, vẫn có cơ sở đáng kể để lạc quan.
Ở cấp nhà nước, các chính phủ đang theo đuổi tài chính bền vững. Indonesia đã phát hành trái phiếu chính phủ Hồi giáo xanh đầu tiên của Đông Nam Á vào năm 2018, Thái Lan đã tung ra trái phiếu chính phủ bền vững đầu tiên của khu vực vào năm 2020, trong khi Malaysia đã phát hành trái phiếu chính phủ Hồi giáo bền vững bằng USD đầu tiên trên thế giới. Việt Nam, Philippines và Singapore đều đang nỗ lực phát hành trái phiếu chính phủ bền vững đầu tiên của mình.8
Điều này quan trọng vì hai lý do: thứ nhất, nó thúc đẩy các nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều hơn vào tài chính ESG và thứ hai, trái phiếu chính phủ “giúp các doanh nghiệp phát hành định giá chính xác hơn trái phiếu của họ và xác định phần bù rủi ro,” theo Ngân hàng Phát triển Châu Á.9
Nhiệm vụ quan trọng
Việc kêu gọi sự tham gia và huy động vốn của khu vực tư nhân là yếu tố quan trọng nhất đối với thành công trong tương lai của đầu tư bền vững ở ASEAN.
“Tài chính xanh và bền vững vẫn còn ở giai đoạn tương đối non trẻ ở ASEAN, nhưng thị trường đang phát triển nhanh chóng và các công ty trong khu vực đang nắm bắt cơ hội,” Ông Kelvin Tan, Giám đốc Điều hành, Trưởng bộ phận Đầu tư & Tài chính Bền vững Khu vực ASEAN của HSBC cho biết. “Đà tăng trưởng mạnh mẽ này có thể sẽ tiếp tục với việc các nhà đầu tư trong khu vực đặc biệt quan tâm đến cơ sở hạ tầng nước và nước thải, điện mặt trời và điện gió, và xe điện.”
Có lẽ năng lượng là lĩnh vực mà trong đó đẩy mạnh đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng nhất. Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 2/3 năng lượng của Đông Nam Á và với dự báo mức tiêu thụ sẽ tăng gấp đôi cho đến năm 2040, khu vực này cần tăng tốc để đạt đến một tương lai không phát thải.10
HSBC đã có mặt tại Việt Nam hơn 150 năm và chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo của Việt Nam, và lĩnh vực điện gió nói riêng đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho các tập đoàn năng lượng, nhà đầu tư và tổ chức tài chính
|
Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia nổi bật về công suất lắp đặt thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Là một phần trong kế hoạch cung cấp từ 750 tỷ USD đến 1 nghìn tỷ USD để tài trợ và đầu tư cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, HSBC đã và đang tạo ra bước đột phá mới ở Việt Nam. Ngân hàng đã cung cấp các khoản vay cho một dự án điện mặt trời áp mái trên toàn quốc và tín dụng thương mại để tài trợ nhập khẩu thiết bị điện mặt trời, tài trợ thương mại xanh cho dự án điện gió và tín dụng xanh cho cơ sở tái chế nhựa.
“Với hơn 150 năm hiện diện tại Việt Nam, HSBC nhận thấy tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo của Việt Nam, và đặc biệt, lĩnh vực điện gió đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho cả các tập đoàn năng lượng, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính,” Bà Stephanie Betant, Giám đốc Quốc gia Khối Ngân hàng Bán buôn tại Việt Nam của HSBC cho biết. “Với việc Việt Nam mới cam kết đạt 75% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2045, sẽ có rất nhiều cơ hội trong những năm tới.”
Những cơ hội thú vị tương tự cũng đang mở ra trong lĩnh vực xe điện (EV). Việc áp dụng nhìn chung còn chậm, nhưng một lần nữa, Việt Nam đang dẫn đầu, chiếm 99% số xe hai bánh chạy điện được bán trong khu vực vào năm 2020.11 Doanh số bán xe hai bánh chạy điện đang trên đà tăng tốc sau năm 2025 do giá pin lithium-ion giảm kéo theo chi phí sở hữu giảm.
Khi sử dụng xe điện, những quốc gia đang vật lộn với các mục tiêu phát thải trong tương lai có nhiều cơ hội để cắt giảm lượng khí thải các-bon và giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng, cải thiện an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ xe điện, từ sản xuất nguyên liệu thô đến mạng lưới trạm sạc và tái chế pin.
“Các quốc gia như Thái Lan và Indonesia với ngành công nghiệp sản xuất xe lớn có cơ hội khẳng định mình trong chuỗi giá trị điện,” Wai Shin Chan, Giám đốc Toàn cầu của Trung tâm Biến đổi Khí hậu và Nghiên cứu ESG, HSBC cho biết. “Khi giao thông điện trở thành tiêu chuẩn, sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư phụ trợ.”
Được biên soạn với sự hợp tác của Bloomberg Media Studios