Raising the bar for supply chain sustainability in Asia
  • Phát triển bền vững
    • Chuỗi cung ứng bền vững

Nâng cao tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng bền vững tại châu Á

  • Bài viết

Sự tập trung ngày càng nhiều vào tính bền vững đang định hình lại các chuỗi cung ứng trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khi các thương hiệu toàn cầu đáp ứng yêu cầu từ người tiêu dùng và cơ quan quản lý, việc thực thi tính bền vững của doanh nghiệp đang trở thành yếu tố then chốt trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Ở nhiều lĩnh vực, các nhà sản xuất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần phải báo cáo hiệu suất về các chỉ số bền vững trước khi có thể tiếp cận thị trường toàn cầu:ví dụ, một đạo luật mới có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2024 sẽ yêu cầu bất kỳ doanh nghiệp nào xuất khẩu nông sản bao gồm dầu cọ, cà phê và cao su sang Liên minh châu Âu phải chứng minh sản phẩm của họ không gây phá rừng.¹

Các cơ quan quản lý tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang áp đặt những yêu cầu nghiêm ngặt hơn: ví dụ tại Úc, việc công bố thông tin liên quan đến khí hậu sẽ sớm trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hàng nghìn công ty, bắt đầu từ năm 2025.²

Việc nâng cao tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng bền vững mang đến những thách thức mới cho các doanh nghiệp tại châu Á. Tuy nhiên, những cơ hội đi kèm cũng rất đáng chú ý.

Các doanh nghiệp tại châu Á có thể chứng minh năng lực sản xuất bền vững sẽ có lợi thế riêng biệt trên thị trường toàn cầu. Tỷ lệ ngày càng tăng của các công ty niêm yết trên thế giới đang công khai lượng khí thải Phạm vi 3 (lượng khí thải do nhà cung cấp của họ tạo ra hoặc trong quá trình sử dụng sản phẩm của họ), tạo động lực để họ hợp tác với các nhà cung cấp có lượng carbon thấp. Theo MSCI, gần 42% công ty niêm yết đã báo cáo ít nhất một phần lượng khí thải Phạm vi 3 của họ tính đến tháng 1 năm 2024, tăng gần 17 điểm phần trăm trong hai năm.³

Nâng cao kỳ vọng

Là trung tâm sản xuất của mọi thứ từ quần áo đến hóa chất, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải carbon cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nắm bắt cơ hội trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, các doanh nghiệp châu Á cần có khả năng chứng minh hiệu suất mạnh mẽ trên nhiều chỉ số khác nhau, tùy thuộc vào các quy định ảnh hưởng đến khách hàng của họ. Điều này mang lại một số thách thức, bao gồm:

  • Thu thập dữ liệu: Cụ thể là, các nhà cung cấp quy mô nhỏ có thể không có đủ nguồn lực để đo lường và giám sát các yếu tố bền vững – nhất là về lượng phát thải. Việc giám sát chặt chẽ hơn đối với lượng phát thải Phạm vi 3 gián tiếp tạo ra một rào cản do hạn chế về mặt dữ liệu.
  • Tiêu chuẩn không đồng nhất: Các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều thị trường riêng biệt của châu Á cần nhận thức được các yêu cầu chồng chéo – hoặc xung đột – ví dụ như về ghi nhãn sản phẩm, chế độ lao động và tiêu thụ năng lượng. Các nhà sản xuất thường phải đáp ứng các yêu cầu khác nhau cho các khách hàng khác nhau và tuân thủ các quy định khác nhau, tùy thuộc vào thị trường họ cung cấp.
  • Chi phí: Các cải tiến về chỉ số bền vững đòi hỏi đầu tư, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và chuyển hướng nguồn lực từ các mục đích sử dụng khác. Việc nâng cấp công nghệ cho các quy trình sản xuất có thể tốn kém.

Tuy nhiên, đầu tư vào các sáng kiến bền vững có thể mang lại những lợi ích đáng kể. Bằng cách thực hiện các phương thức quản lý chuỗi cung ứng minh bạch, dễ truy xuất nguồn gốc và thân thiện với môi trường hơn, các nhà cung cấp ở châu Á có cơ hội giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cũng như khả năng định giá cao hơn cho sản phẩm của mình. Họ cũng được hưởng lợi từ việc chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh trước các quy định về tính bền vững sắp được áp dụng tại thị trường nội địa.

Khả năng tiếp cận tín dụng là một yếu tố quan trọng khác. Bởi vì các thực tiễn bền vững mạnh mẽ giúp giảm rủi ro trong mạng lưới, các nhà mua toàn cầu và tổ chức tài chính thường sẵn sàng cấp tín dụng với điều khoản tốt hơn.

HSBC đã hợp tác với nhà bán lẻ Mỹ Walmart từ năm 2019 trong một chương trình tài chính chuỗi cung ứng bền vững, cung cấp cho các nhà cung cấp điều khoản thanh toán tốt hơn nếu họ đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của Walmart.⁴ Chương trình này đã được sử dụng để giúp gã khổng lồ bán lẻ giảm lượng phát thải Phạm vi 3 bằng cách khuyến khích các nhà cung cấp giảm chất thải và cải thiện hiệu quả năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp toàn cầu khác cũng đang áp dụng cách tiếp cận tương tự. Trong số 23.000 công ty đã công bố lượng phát thải cho tổ chức theo dõi carbon toàn cầu CDP vào năm 2023, 41% báo cáo đã tham gia cùng các nhà cung cấp của họ về các vấn đề liên quan đến khí hậu.⁵

Các doanh nghiệp đang hành động như thế nào

Các doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang tận dụng công nghệ và hợp tác với các đối tác để nâng cao hiệu quả chính sách bền vững của mình. Tập đoàn Hirdaramani, một nhà cung cấp lớn trong ngành may mặc cho các thương hiệu toàn cầu, đã đầu tư vào máy móc tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, bao gồm cả hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, nhằm giảm thiểu khí thải trong các hoạt động sản xuất của mình. Gần đây, Hirdaramani cũng trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Sri Lanka có mục tiêu phát thải ròng bằng 0được Sáng kiến Mục tiêu Khoa học xác minh.⁶ Cam kết của công ty đối với các mục tiêu bền vững đáng tin cậy đã giúp họ mở rộng kinh doanh và tiếp cận nguồn tài chính. Năm 2023, HSBC đã hỗ trợ tham vọng bền vững của Hirdaramani thông qua khoản vay liên kết bền vững.⁷

Các doanh nghiệp tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng có thể sử dụng công nghệ và các nền tảng dữ liệu để đo lường và quản lý hiệu quả bền vững của mình. Ví dụ, tại Hồng Kông, HSBC đã hợp tác với nhà cung cấp công nghệ Diginex để giúp các doanh nghiệp đơn giản hóa quy trình báo cáo⁸, trong khi đối tác của HSBC tại Singapore là Univers hướng đến việc cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu về carbon có thể kiểm chứng được.⁹ Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác với EcoVadis, nhà cung cấp đánh giá toàn diện về các tiêu chí ESG cho các doanh nghiệp và nhà cung cấp của họ, nhằm hỗ trợ các công ty mong muốn tiến xa hơn trên hành trình bền vững (lưu ý rằng quan hệ hợp tác này chỉ có ở một số thị trường nhất định).¹⁰

Trước khi các doanh nghiệp thực hiện các bước chiến lược này hoặc đầu tư vào các công nghệ mới, họ cần hiểu rõ mình đang ở đâu về các chỉ số bền vững và xác định rủi ro cũng như các hoạtđộng cần cải thiện. Khi việc giám sát rủi ro bền vững ngày càng được quan tâm, các doanh nghiệp ở mọi nơi đều chịu áp lực phải tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của mình. Những doanh nghiệp tiên phong tại Châu Á đang có lợi thế để biến thách thức này thành cơ hội.

Chúng tôi đang tài trợ một số ngành công nghiệp tạo ra đáng kể lương phát thải khí nhà kính. Do đó, chúng tôi có chiến lược giúp khách hàng giảm lượng khí thải của họ cũng như của chính chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.hsbc.com/sustainability.

Nghiên cứu Toàn cầu

Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC cung cấp thông tin, hiểu biết sâu sắc và ý tưởng đáng để suy ngẫm.
woman accessing HSBC business banking helpdesk using desktop computer

Cần trợ giúp?

Tìm hiểu thêm về các giải pháp ngân hàng để hỗ trợ quý khách phát triển doanh nghiệp